Sau khi khảo sát chọn vị trí xây nhà nuôi yến thì yếu tố thiết kế mô hình nhà yến phù hợp là điều kiện rất quan trọng để quyết định sự thành bại về lâu dài của nghề nuôi yến. Nhân tiện tham khảo bài viết từ ông Lê Hữu Hoàng, chúng tôi xin giới thiệu mô hình nhà yến tiền chế 10x20x2 ở cuồi bài viết này.
Việc xác định vị trí và khu vực để nuôi chim yến phải được khảo sát, lựa chọn cẩn thận. Vị trí nhà yến ảnh hưởng tới tốc độ phát triển quần đàn chim yến của nhà yến và năng suất chất lượng của tổ yến, hiệu quả đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến. Do đó, để chọn được vị trí tốt nhất cần đánh giá các tiêu chí về sự phân bố của chim yến, nguồn thức ăn cho chim yến, điều kiện khí hậu, môi trường xung quanh… Sau đó đối chiếu với các thông số môi trường, khí hậu tiêu chuẩn để đánh giá xem xét có thích hợp hay không, từ đó quyết định vị trí xây dựng nhà nuôi chim yến.
Các thông số môi trường khí hậu cần chú ý bao gồm:
– Nền nhiệt độ trung bình của khu vực;
– Độ ẩm trung bình khu vực;
– Lượng mưa trung bình hàng năm.
Ghi chú: Các thông số môi trường khí hậu nếu không có dữ liệu ở cấp huyện, có thể lấy dữ liệu cấp tỉnh làm căn cứ.
Phân bố của chim yến: Chim yến phân bố theo khu vực sinh sống và vùng kiếm ăn của chúng (cánh đồng sản xuất nông nghiệp, rừng trồng, rừng tự nhiên, mặt nước như sông, suối, ao, hồ,…). Việc chọn vị trí xây dựng cơ sở nuôi chim yến cần dựa trên đặc điểm di chuyển tìm mồi của chim từ nơi cư trú đến nơi bắt mồi, thông thường dùng âm thanh bầy đàn để xác định sự phân bố của chim có mặt tại nơi cần khảo sát. Khoảng thời gian lý tưởng để kiểm tra là 5h30 – 9h30 và 16h00 – 18h00.
Đây là bước khảo sát ban đầu mang tính chất vĩ mô (khảo sát vùng nuôi chim yến). Sau khi xác định được vùng nuôi chim yến khả thi thì việc xác định vị trí xây dựng nhà nuôi chim yến phải căn cứ vào một số tiêu chí sau:
– Thuận lợi về giao thông đi lại, vận chuyển vật tư;
– Thuận lợi cho việc sử dụng các nguồn năng lượng như điện, nước;
– Chọn những vị trí đất có cường độ chịu nén cao để giảm chi phí xây dựng phần móng;
– Gần nguồn cung cấp vật tư xây dựng;
– Vị trí ít bị ảnh hưởng lũ, lụt;
– Vị trí nhà yến ít bị ảnh hưởng của các tác động bên ngoài như: tiếng ồn, trạm phát sóng vô tuyến, nhiều vật cản đường chim bay, chấn động ngôi nhà do xe chạy hoặc tàu chạy, ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm mùi, khu vực có gió mạnh.
Công tác khảo sát chọn vị trí phải làm lặp lại nhiều lần ở nhiều vị trí, khu vực khác nhau trong nhiều thời điểm khác nhau, sau đó thống kê tổng kết, đánh giá và lựa chọn một hoặc hai vị trí thích hợp nhất trong số các vị trí đã khảo sát để quyết định đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến.
Ví dụ: Kế hoạch khảo sát ba vị trí A, B, C:
– Nội dung khảo sát:
+ Điều kiện khí hậu: nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa hàng năm.
+ Môi trường sống phù hợp điều kiện sinh sản, bắt mồi của chim yến (thảm thực vật, mặt nước), các tác động ảnh hưởng môi trường (tiếng động, khói bụi, hóa chất, chất thải công nghiệp,…).
+ Sự phân bố của chim yến, có thấy chim yến đi ăn tại khu vực khảo sát khi phát âm thanh dẫn dụ.
– Thời gian khảo sát: Khoảng thời gian lý tưởng để kiểm tra là 5h30 đến 9h30 và 16h00 đến 18h00 trong ngày.
– Số lần khảo sát: Tốt nhất cần khảo sát nhiều lần chia ra nhiều ngày.
Sau khi khảo sát ghi lại các số liệu về điều kiện khí hậu, môi trường sống, sự phân bố của chim yến, mật độ chim xuất hiện theo từng lần khảo sát, từ đó có thể phân tích đánh giá chọn ra vị trí ưu điểm nhất để quyết định đầu tư.
Chọn mô hình nuôi chim yến
Sau khi chọn được vị trí xây dựng cơ sở nuôi chim yến phù hợp, việc thiết kế mô hình nuôi yến phải dựa trên kết quả khảo sát địa chất khu vực, điều kiện hạ tầng kỹ thuật (về giao thông, nguồn cung cấp điện, nước,…) và yêu cầu kỹ thuật vận hành cơ sở nuôi yến mà chúng ta lựa chọn chủng loại vật liệu phù hợp đạt yêu cầu, hiệu quả kinh tế để triển khai xây dựng.
Các tiêu chí cơ bản lựa chọn mô hình nuôi chim yến để thiết kế:
– Đảm bảo các điều kiện tốt nhất về sự sinh sản, phát triển bầy đàn chim yến như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ thoáng khí,…
– Có chi phí đầu tư thấp, ít tốn kém với điều kiện địa chất tại vị trí xây dựng.
– Tuổi thọ công trình đảm bảo đủ dài để đàn yến sinh sản phát triển cho sản lượng cao và hiệu quả, thời gian tối thiểu 30 năm.
Nhà yến được xây dựng thành nhiều tầng, chiều cao mỗi tầng 3,5 ÷ 4,5 m tùy theo điều kiện môi trường khí hậu ở từng vùng. Ở những vùng nhiệt độ cao thì chiều cao tầng 3,6 ÷ 4,5 m để tạo sự thông gió và thoáng mát. Ở những vùng biên độ nhiệt thấp, chiều cao tầng 3,5 ÷ 3.9 m.
Mẫu nhà yến bình thường phải có sân lượn để chim bay lượn vòng tròn, ở nơi yên tĩnh, tránh các cản trở có thể ngăn chặn đường bay của chim. Kích thước tối thiểu cho sân bay lượn là 4 x 4 m, càng rộng càng tốt. Trong nhà yến với hệ thống nhiều phòng, phải có phòng lượn (phòng cho chim bay lượn vòng tròn) vì chim khi bay vào nhà thường thích bay lượn một lúc trong phòng dạo trước khi vào phòng trú ngụ. Kích thước phòng tối thiểu là 4 x 4 m. Giữa các tầng là nơi thuận lợi bay lượn di chuyển của chim.
Căn cứ mục tiêu đầu tư, diện tích, vị trí xây dựng chúng ta có nhiều phương án chọn mô hình nhà nuôi chim yến cho phù hợp.
a. Mô hình nhà yến chuyên dụng:
Là những ngôi nhà yến chỉ mang tính chất đầu tư phục vụ cho việc nuôi chim yến và lấy tổ, ngoài ra không còn mục tiêu nào khác. Thường những ngôi nhà này là hình chữ nhật hoặc hình vuông, khoảng 2 đến 3 tầng, diện tích nền trên 100 m2, sử dụng vật liệu thô mang tính chất đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nhà yến và bền vững theo thời gian đồng thời tiết kiệm chi phí.
b. Mô hình nhà yến kết hợp với nhà ở:
Đây là mô hình đầu tư nhà yến mang tính chất tiết kiệm chi phí đầu tư do tận dụng được các tầng trên của ngôi nhà ở có sẵn để cải tạo lại thành nhà nuôi chim yến hoặc tận dụng sức chịu tải thừa hiện có của ngôi nhà như phần móng, phần trụ, dầm sàn mà thiết kế thêm các tầng phía trên để nuôi chim yến. Trường hợp này nên chọn một số vật liệu nhẹ để thiết kế cho ngôi nhà yến nhằm giảm tải công trình, an toàn về kết cấu chịu lực, đảm bảo về điều kiện sinh sống của chim yến.
c. Mô hình núi yến nhân tạo:
Mô hình núi nhân tạo được thực hiện tại các khu du lịch, chưa được phổ biến nhiều. Hiện nay một số nhà yến ở miền Nam sử dụng mô hình này được dùng để thiết kế xây dựng núi nhân tạo nuôi chim yến. Nguyên tắc thiết kế và thi công của mô hình này là xây dựng bộ khung trụ, dầm, sàn rồi phủ lớp vỏ lưới thép, sau đó phun hỗn hợp vữa xi măng và chất phụ gia bao bọc bên ngoài để cách nhiệt, đảm bảo độ ẩm tốt, thường dùng hai lớp vỏ bao ngoài. Ưu điểm của mô hình là có kiến trúc đẹp, phù hợp để xây dựng ở những khu du lịch sinh thái. Nhược điểm mô hình này là tuổi thọ không cao, chi phí đầu tư cao, dễ thấm nước mưa, kết cấu phức tạp ảnh hưởng đến vòng bay lượn của chim.
d. Mô hình nhà yến kết hợp nhà ở sân vườn:
Đây là loại hình đầu tư nhà yến đơn thuần kết hợp với nhà ở dân dụng. Thường áp dụng ở các khu biệt thự vườn.
đ. Mô hình nhà nuôi chim yến kết hợp ấp nở nhân tạo và nhà lồng:
Đây là mô hình nuôi chim yến bền vững và thành công nhất hiện nay. Ngoài việc nuôi chim yến để lấy tổ, mô hình này còn gia tăng bầy đàn cho nhà yến và vùng nuôi chim yến, đáp ứng việc nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nuôi chim yến tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai. Để xây dựng được mô hình trên, nhà đầu tư phải xây dựng kết hợp một số hạng mục như sau: nhà nuôi chim yến đơn thuần, nhà ấp nuôi nhân tạo và nhà lồng tạo môi trường sống tự nhiên cho chim yến.
e. Mô hình làng nghề nuôi chim yến:
Việc nuôi chim yến theo vùng, làng nghề là mục tiêu để phát triển ngành nghề nuôi chim yến trong tương lai. Đây là mô hình nuôi chim yến mang lại nhiều hiệu quả cho nhà đầu tư cũng như đáp ứng các nhu cầu phát triển xã hội, như:
– Giảm thiểu rủi ro cho các hộ dân nuôi chim yến vì các vùng đất được chọn để quy hoạch được nghiên cứu kỹ về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, vùng thức ăn bền vững, tổng lượng bầy đàn hiện có…
– Tạo tính chuyên nghiệp trong ngành nghề nuôi chim yến.
– Việc quy hoạch các vùng nuôi, các làng nghề nuôi chim yến bền vững, khoa học và đảm bảo quy hoạch phát triển tổng thể về kinh tế xã hội. Kiểm soát được mật độ xây dựng nhà yến trong vùng.
– Thuận lợi cho việc tổ chức quản lý đối với các ngành chức năng.
– Kiểm soát được vấn đề môi trường vùng nuôi chim yến.
– Thống nhất thiết bị công nghệ, kiểu dáng, quy mô công trình nuôi chim yến phù hợp nhất cho từng vùng nuôi chim yến.
– Áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách đồng bộ.
– Tiết kiệm chi phí đầu tư cũng như vận hành sau này như: giảm chi phí giá trị đất, chi phí thiết kế và chi phí thủ tục đầu tư, chi phí khảo sát, chi phí tư vấn và thiết bị công nghệ, chi phí quản lý vận hành…
Kỹ thuật thiết kế nhà nuôi chim yến
Chọn hướng nhà nuôi chim yến
Căn cứ công thức nhiệt lượng truyền qua phương thức dẫn nhiệt từ bề mặt nóng sang bề mặt lạnh của một vật liệu được tính theo công thức Fourier:
Q = k.A.(Thot – Tcolt).t/d
Trong đó:
Q: nhiệt lượng;
k: hệ số dẫn nhiệt;
A: diện tích bề mặt;
Thot: nhiệt độ bề mặt nóng;
Tcolt: nhiệt đồ bề mặt lạnh;
t: thời gian dẫn nhiệt;
d: khoảng cách giữa hai bề mặt.
Để giảm lượng nhiệt Q, cần chọn những vật liệu nào có hệ số dẫn nhiệt k thấp hoặc tăng chiều dày d khoảng cách hai bề mặt (vách, tường nhà yến, hang yến), hoặc giảm diện tích tiếp xúc vào những mảng tường có diện tích lớn, nhất là vào lúc từ 10h00 đến 15h00 trong ngày. Tùy vào điều kiện khí hậu tại vị trí đặt nhà yến cụ thể mà chọn phương án thiết kế, đặt hướng nhà yến cho phù hợp và hiệu quả. Thông thường không có sự lựa chọn hướng nhà thì phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật chống nóng cho ngôi nhà yến, do đó chi phí xây dựng sẽ cao hơn.
Nhà yến ở khu vực có nhiệt độ trung bình hàng năm cao hơn 27oC
Thiết kế, xây dựng nhà yến nằm trong vùng này nên sử dụng vật liệu có hệ số dẫn nhiệt thấp, thiết kế hệ thống đối lưu không khí có tiết diện hút gió lớn để dễ dàng thoát nhiệt trong nhà yến, hệ thống xây bằng gạch kích thước 80 x 20 cm (được thiết kế chi tiết phần thiết kế hệ thống đối lưu không khí), đồng thời có sử dụng hệ thống phun sương, thiết kế các hồ nước trong nhà, trồng cây xung quanh nhà yến để tạo độ ẩm trong nhà cũng như hạ nhiệt độ khi cần thiết và tạo không khí mát mẻ trong nhà. Nhà yến nằm trong vùng này cần thiết kế có chiều cao tầng dao động từ 3,6 đến 4,5 m, các kích thước dài rộng tối thiểu một căn phòng lớn hơn hoặc bằng 5 x 5 m.
Các vật liệu có hệ số dẫn nhiệt thấp, thường được áp dụng cho việc xây dựng nhà yến như:
– Vật liệu làm tường: Gạch đất nung kết hợp với xốp, gạch xi măng, gạch nhẹ cách nhiệt, đá chẻ, vách tôn kết hợp xốp và tấm prima (hoặc tấm cemboard), tấm 3D…
– Vật liệu làm mái: Sàn mái bằng bê tông cốt thép kết hợp xây hồ chứa nước phía trên, sàn bằng mái bê tông cốt thép kết hợp gạch chống nóng phía trên, sàn mái bằng bê tông cốt thép kết hợp lợp tôn hoặc ngói phía trên, mái bằng tôn kết hợp xốp dày 10 cm và tấm prima (hoặc tấm cemboard).
Nhà yến ở khu vực có nhiệt độ trung bình hằng năm thấp hơn 27oC
Thiết kế, xây dựng nhà yến nằm trong vùng này cần thiết kế hệ thống đối không khí có tiết diện hút gió nhỏ để ít bị tác động nhiệt động từ ngoài vào bên trong nhà yến. Được thiết kế từ các ống nhựa đường kính 114 mm, dài 60 cm phía trong và co nhựa đường kính 114 mm lấy gió phía ngoài, mỗi hệ thống cách nhau 1 m, chia thành hai hàng “trên – dưới” (được thiết kế chi tiết phần đối lưu không khí), đồng thời hạn chế sử dụng hệ thống phun sương khi vào mùa lạnh cũng như hạn chế thiết kế các hồ nước trong nhà. Nhà yến nằm trong vùng này cần thiết kế có chiều cao tầng dao động từ 3,0 đến 3,6 m, chiều rộng một phòng lớn hơn hoặc bằng 4 m, cần thiết phải ngăn nhiều phòng để tạo sự ấm áp cho ngôi nhà, diện tích một phòng khoảng 16 m2 (4 x 4 m).
Nếu nhiệt độ vào mùa đông thấp hơn 20oC, cần xây tường dày 30 cm, chia nhiều phòng, mái lợp kín hai lớp cách nhiệt và lắp thêm thiết bị sưởi ấm trong nhà.
Nhà yến ở khu vực có biên nhiệt độ dao động lớn hơn 12oC
Thiết kế, xây dựng nhà yến nằm trong vùng này cần có hệ thống đối lưu không khí có thể điều chỉnh (đóng, mở) tiết diện hút gió. Khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn 22oC chúng ta cần đóng cửa lấy gió, khi nhiệt độ ngoài trời cao hơn 33oC chúng ta mở cửa lấy gió và đồng thời sử dụng hệ thống phun sương để tạo độ ẩm, làm mát nhiệt độ không khí trong nhà. Nhà yến nằm trong vùng này cần thiết kế có chiều cao tầng dao động từ 3,6 đến 4 m, chiều rộng một phòng từ 5 m trở lên, rộng hơn thì càng tốt.
Điển hình các vùng có nhiệt độ biến động cao như các tỉnh Tây Nguyên, Bắc Trung bộ từ Huế đến Thanh Hóa, nhiệt độ vào mùa hè cao (38 – 40oC), mùa đông nhiệt hạ thấp (12 – 15oC), trường hợp này xây nhà yến có các phòng rộng với chiều cao khoảng 3,9 m; mùa hè mở các cửa thông gió, còn mùa đông đóng các cửa thông gió lại hạn chế nhiệt lạnh tràn vào nhà yến.
Khi thời tiết môi trường quá lạnh, sử dụng hệ thống sưởi ấm nền nhà bằng điện thân thiện với môi trường, đó là tấm flim nhiệt được sản xuất trên dây chuyền hiện đại pha lẫn hợp chất Carbon Paste và Silver Paste, kết hợp với tấm nhựa Laminex-Film. Chất dẫn điện trên tấm Film PET (vật liệu cách điện, cách nhiệt) tạo ra các cực điện trở trên tấm carbon tản nhiệt. Tấm film nhiệt có chức năng dẫn nhiệt điều xung quanh, đạt được hiệu quả làm nóng trong thời gian dài, bằng phương pháp sử dụng điện trở, trên các sợi carbon làm nóng nhiệt bức xạ tia hồng ngoại phát ra ion âm. Hơn thế nữa tia hồng ngoại có tác dụng hiệu quả trong việc khử mùi, ức chế hoạt động của các loại vi khuẩn, ký sinh trong không gian, hoạt hóa tạo ra môi trường trao đổi chất sạch sẽ thông thoáng, không đốt cháy oxy trong môi trường tự nhiên, không có khói, không phát ra tiếng ồn, không phải tiếp nhiên liệu. Thông qua bộ điều khiển nhiệt hệ thống sưởi nền nhà có thể làm nóng từng phần, chế độ hẹn giờ giúp tiết kiệm năng lượng. Thiết bị này có thể sưởi ấm nền nhà lên đến 60oC rất phù hợp với việc điều chỉnh nhiệt độ của nhà yến khi nhiệt độ môi trường xuống thấp dưới 20oC.
Khi thời tiết môi trường quá nóng, sử dụng hệ thống làm mát như máy điều hòa, hệ thống cung cấp khí tưới, máy tạo độ ẩm trong phòng. Các thiết bị này rất phổ biến ở thị trường nước ta, thi công lắp đặt thuận tiện.
Ghi chú: Các thông số về hệ số dẫn nhiệt của vật liệu cần tham khảo tại TCVN 4605: 1998 kỹ thuật nhiệt – kết cấu ngăn che – tiêu chuẩn thiết kế.
Căn cứ vào sự hấp thụ năng lượng mặt trời trực tiếp của vật liệu xây dựng và vật liệu kiến trúc
Sưởi ấm thụ động sử dụng năng lượng từ mặt trời để giữ cho chim yến cư ngụ thoải mái mà không cần sự hỗ trợ hệ thống thiết bị máy móc. Các khái niệm sau sẽ giúp chúng ta thiết kế để ngôi nhà yến dựa vào sự hấp thụ năng lượng mặt trời trực tiếp của vật liệu và vật kiến trúc.
Hấp thụ nhiệt trực tiếp từ mặt trời được thu thập và chứa trong một không gian đóng. Nhiệt này có thể được giữ lại trong các vật thể nặng, gọi là khối nhiệt của tòa nhà, hoặc có thể tránh khi sử dụng các vật liệu phản chiếu năng lượng.
Hấp thụ năng lượng mặt trời trực tiếp rất quan trọng với những khu vực cần sưởi ấm, bởi vì đó là cách đơn giản và ít tốn kém nhất của phương pháp sưởi ấm thụ động tòa nhà nhờ vào nhiệt mặt trời. Tránh hấp thụ năng lượng mặt trời trực tiếp cũng rất quan trọng ở vùng khí hậu nắng nóng.
Hấp thụ nhiệt trực tiếp một cách hợp lý được đo hoặc dự báo trước bằng cách xác định bao nhiêu năng lượng nhiệt tới từ mặt trời đi vào không gian bên trong suốt cả ngày. Ở nhiều vùng khí hậu, cần nhận nhiệt nhiều hơn trong mùa đông, hoặc không muốn nhận nhiệt trong mùa hè. Tương tự như vậy, nhận nhiệt trực tiếp thường được ưu tiên hơn vào buổi sáng, nhưng ít hoặc không cần thiết trong buổi chiều muộn.
– Nhận năng lượng trực tiếp qua tường nhà, vỏ, mái nhà và các cửa sổ ban ngày để sưởi ấm nhà ban đêm.
Ánh nắng mặt trời có thể làm nóng một không gian thông qua các bức tường đặc, mái hoặc qua vỏ tòa nhà. Ánh sáng mặt trời cũng đi vào không gian bên trong thông qua các cửa sổ và làm ấm bề mặt cấu kiện kiến trúc bên trong ngôi nhà yến. Căn cứ vào thời điểm số lượng chim yến cư trú ít nhất trong nhà, khoảng 10h00 đến 13h00, đây là thời điểm nắng nóng nhất trong ngày, chúng ta có thể cho ánh nắng rọi trực tiếp vào nhà yến thông qua các cửa sổ và sau đó đóng kín lại khi chim bắt đầu về tổ cư trú. Việc giữ ổn định nguồn nhiệt này vào ban đêm là cần thiết, do đó việc điều chỉnh giảm tiết diện lấy gió của hệ thống đối lưu không khí và các cửa sổ đến mức tối đa là cách tối ưu để giữ nguồn nhiệt vào ban đêm khi thời tiết môi trường xuống thấp. Ngoài ra việc ngăn nhiều phòng trong nhà yến rất có lợi trong trường hợp này vì khi ánh sáng rọi trực tiếp vào các tường bên ngăn này nó sẽ nhận nhiệt vào ban ngày và lượng nhiệt này sẽ được lưu lại ban đêm khi thực hiện việc lưu giữ nhiệt độ.
– Thoát năng lượng (hoặc giảm tiếp nhận năng lượng) trực tiếp qua tường nhà, vỏ, mái nhà và các cửa sổ ban ngày để làm mát ngôi nhà
Ngược lại, ánh nắng mặt trời có thể làm nóng một không gian thông qua các bức tường đặc, mái hoặc qua vỏ tòa nhà. Ánh sáng mặt trời cũng đi vào không gian thông qua các cửa sổ và làm nóng bề mặt cấu kiện kiến trúc ngôi nhà yến. Để khắc phục hiện tượng này, cần khắc phục không cho ánh sáng rọi trực tiếp vào các bức tường xung quanh ngôi nhà bằng các mái che tường vào thời điểm nắng nóng trong ngày, cũng như đóng kín các cửa sổ tránh nắng rọi trực tiếp vào ngôi nhà yến. Việc ngăn nhiều phòng nhỏ bên trong nhà yến cũng cần thiết vì nhiệt độ sẽ ít ảnh hưởng đến các phòng này khi nó nằm cách xa nguồn nhiệt. Khi về đêm để thoát nhiệt nhanh cho ngôi nhà yến, chúng ta có thể mở rộng tiết diện hút gió của hệ thống đối lưu không khí cũng như các cửa sổ để thoát nhiệt ra môi trường nhanh hơn.
– Màu bề mặt và màu mái
Lượng ánh sáng mặt trời được hấp thụ bởi một loại vật liệu (do đó chuyển đổi thành nhiệt) phụ thuộc vào màu sắc của nó. Bề mặt màu sáng sẽ trả lại ánh sáng vào không gian xung quanh, phân phối nó trên một số lượng lớn các bề mặt. Vật liệu màu đen sẽ hấp thụ hầu hết năng lượng ngay khi nó được chiếu. Cả hai đều có thể hữu ích, tùy thuộc vào việc tận dụng hiện tượng ra sao.
Mái nhà yến thường cần phải tránh hấp thụ năng lượng mặt trời trực tiếp ở vùng khí hậu nóng. “Mái nhà mát” sử dụng màu sắc để phản xạ hầu hết nhiệt của mặt trời. Bề mặt mái nhà mát mẻ thường hiệu quả hơn là bổ sung thâm tấm cách nhiệt. Ví dụ, nhiệt độ bề mặt của một mái nhà màu đen có thể dễ dàng chênh lệch tới đến 40oC nóng hơn bề mặt của một mái nhà màu trắng vào một ngày nắng.
Mái nhà màu tối trở nên nóng hơn nhiều so với mái nhà màu sáng.
Một chỉ số được dùng phổ biến là suất phản xạ, là khả năng của vật liệu để phản xạ ánh sáng mặt trời. Mái nhà màu sáng có “năng suất phản xạ cao”. Việc đo đạc thường được sử dụng cho các quy chuẩn và tiêu chuẩn là chỉ số phản xạ năng lượng mặt trời (SRI – Solar Reflectance Index), trong đó xem xét cả hai: phản xạ và phát xạ.
SRI là một thước đo trong đó 0 là sơn màu đen tiêu chuẩn phản xạ nhiệt ít nhất (phản xạ 0,05, phát xạ 0,90) và 100 là sơn phản xạ phần lớn nhiệt với sơn màu trắng tiêu chuẩn (phản xạ 0,80; phát xạ 0,90). Điều này có nghĩa rằng có thể có một số vật liệu mà chúng có chỉ số SRI nhỏ dưới số 0 hoặc cao hơn 100 một chút.
Để được coi là một “mái nhà mát mẻ” trong tiêu chuẩn chung, chỉ số SRI đòi hỏi là phải trên 78 cho mái bằng và trên 29 cho mái dốc. Một số giá trị điển hình dưới đây.
Chỉ số SRI của một số vật liệu
Sơn acrylic đen | 0 |
Nhựa đường điển hình | 6 |
Nhựa đường đá cuội “trắng” | 21 |
Mái mặt sỏi màu sáng | 37 |
Bê tông điển hình | 19 ÷ 52 |
Sơn acrylic trắng | 100 |
Màng mái phản xạ | 80 ÷ 110 |
Căn cứ theo chủng loại vật liệu
Việc lựa chọn chủng loại vật liệu để xây dựng nhà yến dựa vào một số tiêu chí sau:
– Bền trong điều kiện không khí có độ ẩm cao trên 85%.
– Không gây mùi khi có nước, hoặc sinh ra mùi sau thời gian sử dụng.
– Có tính cách nhiệt, cách ẩm cao.
– Giá thành rẻ, dễ thi công, khó cháy nổ.
– Khối lượng riêng nhẹ, dễ vận chuyển, phù hợp địa chất công trình.
Dưới đây là một số chủng loại vật liệu để xây dựng nhà yến đã được thiết kế và xây dựng.
Nhà yến làm bằng bê tông cốt thép
Nhà yến làm bằng bê tông cốt thép được sử dụng một số vật liệu xây dựng chính như sau: Móng, trụ, dầm, sàn là bê tông cốt thép chịu lực chính cho ngôi nhà. Tường bao che là tường gạch dày 25 cm có chèn xốp cách nhiệt dày 3 cm ở giữa, sàn áp mái là bê tông cốt thép, mái lợp ngói.
Ưu và nhược điểm: tuổi thọ công trình cao, chịu tác động của ngoại lực tốt, cách nhiệt tốt, cách âm tốt, chống cháy tốt, giữ ẩm và giữ mùi tốt. Giá thành công trình cao, xây dựng trên những vùng đất yếu gây tốn kém về phần móng do tải trọng bản thân lớn, khối lượng vận chuyển vật liệu nhiều, thi công chậm.
Nhà yến làm bằng vật liệu nhẹ
Nhà yến làm bằng vật liệu nhẹ được sử dụng một số vật liệu xây dựng chính thức như sau: Móng là bê tông cốt thép, trụ, dầm là thép hình chịu lực, sàn trải tấm prima hoặc tấm cemboard dày từ 1,8 cm trở lên láng vữa xi măng mặt trên. Tường bao che chính bao gồm hệ khung thép hình mặt ngoài bọc tôn, ở giữa chèn xốp dày 10 cm, mặt trong bọc tấm prima dày 5 mm, mái lợp tôn bên dưới có hệ thống trần bằng tấm prima dày 5 mm và xốp cách nhiệt dày 10 cm.
Ưu điểm và nhược điểm: Giá thành công trình tương đương công trình xây dựng vật liệu thô, thích hợp xây dựng trên những vùng đất yếu, thi công nhanh, khối lượng vận chuyển vật liệu ít hơn. Nhưng tuổi thọ công trình không cao bằng mô hình xây dựng nhà yến bằng vật liệu thô, chịu tác động của ngoại lực, chống cháy kém hơn, giữ ẩm và giữ mùi kém, không thích hợp cho môi trường gần biển.
Nhà yến kết hợp bê tông cốt thép và lắp ghép
Nhà yến tầng một làm bằng bê tông cốt thép, tầng trên gồm hệ khung thép hình, mặt ngoài bọc tôn, ở giữa chèn xốp dày 10 cm, mặt trong bọc tấm prima dày 5 mm, mái lợp tôn bên dưới có hệ thống trần bằng tấm prima dày 5 mm và xốp cách nhiệt dày 10 cm.
Ưu điểm và nhược điểm: Giá thành công trình tương đương công trình xây dựng vật liệu thô, thích hợp xây dựng trên những vùng đất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long, vùng ngập nước, thi công nhanh.
Nhà yến 3D
Mô hình xây dựng nhà yến 3D núi nhân tạo được thực hiện tại các khu du lịch, chưa được phổ biến nhiều. Hiện nay một số nhà yến ở miền Nam sử dụng mô hình này để thiết kế xây dựng núi nhân tạo nuôi chim yến. Nguyên tắc thiết kế và thi công của mô hình này là xây dựng bộ khung trụ, dầm, sàn rồi phủ lớp vỏ lưới thép, sau đó phun hỗn hợp vữa xi măng và chất phụ gia bao bọc bên ngoài. Để cách nhiệt và đảm bảo độ ẩm tốt, dùng hai lớp vỏ bao ngoài.
Ưu điểm và nhược điểm: Giá thành công trình tương đương công trình xây dựng vật liệu thô, thích hợp xây dựng trên những vùng đất yếu, thi công nhanh, khối lượng vận chuyển vật liệu ít hơn. Tuổi thọ công trình không cao bằng mô hình xây dựng nhà yến bằng vật liệu thô, chịu tác động của ngoại lực, chống cháy kém hơn, giữ ẩm và giữ mùi kém, ít thích hợp cho môi trường gần nơi có tác nhân gây ăn mòn vật liệu.
Hiện nay trong lĩnh vực xây dựng còn sử dụng một số loại vật liệu phù hợp để áp dụng cho việc xây dựng nhà yến.
Bảng thông số kỹ thuật cho một số loại vật liệu nhẹ hiện nay
TT | Chủng loại, quy cách | Cường độ nén (MPa) | Tỷ trọng khô (kg/m3) |
1 | Gạch bê tông nhẹ TCVN 7959:2011 Kích thước (D x C x R) 600 x 200 x 70 (mm); 600 x 200 x 100 (mm); 600 x 400 x 100 (mm); 600 x 200 x 200 (mm); hoặc theo yêu cầu khách hàng | ≥ 3,5 | 550 ÷ 650 |
≥ 5 | 650 ÷ 750 | ||
≥ 7,5 | 750 ÷ 850 | ||
2 | Tấm panel nhẹ, có gia cường một lớp lưới thép Kích thước < 1200 x 600 x 70 (mm) | ≥ 3,5 | 650 ÷ 750 |
3 | Tấm panel nhẹ, có gia cường một lớp thép Kích thước (D x C x R) 1200 ÷ 1300 x 600 x 70 (mm) | ≥ 3,5 | 650 ÷ 750 |
4 | Tấm panel nhẹ, có gia cường hai lớp thép Kích thước (D x C x R) < 1200 x 600 x 75 (mm) | ≥ 3,5 | 650 ÷ 750 |
5 | Tấm panel nhẹ, có gia cường hai lớp thép Kích thước (D x C x R) 1200 ÷ 1300 x 600 x 100 (mm) | ≥ 3,5 | 650 ÷ 750 |
6 | Bê tông nhẹ đổ tại công trình: chống nóng, nâng cốt sàn… | 500 ÷ 800 | |
7 | Bê tộng nhẹ đúc tường tại công trình | 850 ÷ 1400 |
Thiết kế vị trí và hướng lỗ chim vào nhà yến
Hướng lỗ chim bay phải tránh các vật cản trên đường bay của chim như nhà cao tầng, cây cao, phải có sân bay lượn cho chim phía lỗ ngoài ra vào và vị trí đặt lỗ cách trần 50 cm. Theo kết quả thực nghiệm và khảo sát đánh giá cho thấy lỗ chim ra vào được đặt theo các hướng phổ biến như sau: đông, nam, bắc, đông bắc, đông nam. Lỗ chim bay vào nhà yến phải thuận chiều theo vòng đảo lượn của chim đến các phòng ở bên trong.
Thiết kế chuồng cu cho ngôi nhà yến: chuồng cu là khu vực được xem là sảnh đón của một ngôi nhà yến, nó cần có một không gian rộng, không có vật cản khi chim đảo lượn trong phòng. Hiện nay có hai dạng chuồng cu:
* Chuồng cu dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông: Kích thước tối thiểu là 4 x 4 m, chiều cao của chuồng cu là 3 – 4 m.
Ưu và nhược điểm: Thi công nhanh, nhưng bị hạn chế là cửa chim vào chỉ bố trí được bốn hướng và hình dạng chuồng cu không phù hợp với vòng lượn của chim.
* Chuồng cu dạng hình tròn: Kích thước tối thiểu là 4 m, chiều cao của chuồng cu là 3 ÷ 4 m.
Ưu và nhược điểm: Cửa chim ra vào có thể bố trí vô số hướng, hình dạng chuồng cu phù hợp với vòng lượn của chim nhưng thi công chậm hơn và khó áp dụng cho ngôi nhà làm bằng vật liệu nhẹ.
Hệ thống đối lưu không khí
Việc đối lưu không khí cho nhà yến rất quan trọng, nó làm tăng lượng oxy trong nhà yến và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong nhà yến.
Tùy theo khu vực cụ thể mà có các phương án thiết kế hệ thống đối lưu nhiệt cho phù hợp.
* Phương án 1: Tại những khu vực ít gió, nhiệt độ trung bình hàng năm cao thì thiết kế hệ thống đối lưu không khí được xây bằng gạch và bê tông có tiết diện lấy gió là 0,2 × 0,8 m; tường ngăn ánh sáng xây bằng gạch ba mặt bên và che ánh sáng mặt trên bằng tấm đan bê tông. Hệ thống này cũng được làm gồm hai dãy có dãy lỗ thứ nhất cách trần 0,5 m, dãy lỗ thứ hai cách nền nhà 1 m, khoảng cách mỗi lỗ cách nhau khoảng 4 m.
Ưu điểm của hệ thống này là tiết diện lấy gió lớn.
Nhược điểm là tốn kém vật liệu, khó thi công.
* Phương án 2: Tại những khu vực nhiều gió, nhiệt độ trung bình hàng năm thấp thì hệ thống đối lưu không khí được thiết kế lắp bằng ống PVC có đường kính 114 mm. Hệ thống này gồm hai dãy ống song song có dãy ống thứ nhất cách trần 0,5 m, dãy ống thứ hai cách nền nhà 1 m. Khoảng cách giữa hai ống kế tiếp cách nhau 2 m.
Ưu điểm của hệ thống này là thi công đơn giản, ít tốn kinh phí.
Nhược điểm là diện tích lấy gió kém hơn, phát âm thanh tiếng hú gió khi gặp gió mạnh.
* Phương án 3: Tại những khu vực có biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn và lượng gió thường hay thay đổi theo mùa trong năm thì thiết kế hệ thống đối lưu không khí như phương án 1 nhưng phải thiết kế thêm hệ thống cửa lùa bên ngoài để điều chỉnh tiết diện hút gió theo từng điều kiện khí hậu.
Ưu điểm của hệ thống này là khắc phục tất cả các nhược điểm kỹ thuật của hai phương án trên nhưng giá thành cao.
Thiết kế giảm ánh sáng trong nhà yến
Môi trường bên trong ngôi nhà yến thích hợp với chim yến sinh sống là nơi tối, có độ sáng từ 0,01 đến 0,2 lux vào ban ngày. Khi thiết kế cần chú ý đến các hệ thống dưới đây sẽ ảnh hưởng đến cường độ ánh sáng trong nhà yến:
– Hệ thống cửa ra vào nhà yến cho người vận hành: cần phải thiết kế hai lớp cửa khi người vận hành bước vào nhà yến, một trong hai cửa phải luôn luôn được đóng kín tránh ánh sáng rọi vào bên trong nhà.
– Hệ thống đối lưu không khí: cũng là một trong những vị trí ảnh hưởng đến cường độ ánh sáng trong nhà, do đó việc che ánh sáng hệ thống không khí là rất quan trọng.
– Hệ thống cửa chim vào: cũng là một trong những vị trí cần phải chú ý chọn hướng cửa sao cho ánh sáng mặt trời không rọi trực tiếp vào trong nhà, có thể thiết kế hệ thống mái che sáng cho cửa chim ra vào.